Trang Chủ » Tin Tức Khác » Vaccine Ngừa Ung Thư Cổ Tử Cung Có An Toàn?

Vaccine Ngừa Ung Thư Cổ Tử Cung Có An Toàn?

Thời gian gần đây, những thông tin lan truyền trên mạng về một thống kê tại Mỹ cho thấy xuất hiện hơn 35.000 phản ứng phụ, trong đó 200 trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine ngừa virus HPV khiến dư luận hoang mang.

Theo đó, thông tin cho hay, một báo cáo lên Chính phủ Mỹ vào giữa tháng 3-2015 cho thấy, Mỹ đã phải chi gần 6 triệu USD bồi thường cho 49 nạn nhân của vaccine ngừa virus HPV (Human Papilloma Virus – virus gây u nhú ở người, trong đó có ung thư cổ tử cung) tính đến giữa tháng 3-2015. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ lại khẳng định, đã có hơn 80 triệu liều HPV được tiêm và chưa ghi nhận tác dụng phụ, chỉ có tác dụng nhẹ như sưng hay đỏ chỗ tiêm và tự hết. Chưa ghi nhận có ca tử vong do tiêm vaccine HPV tại nước này. Đánh giá của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng cho thấy sau 10 năm sử dụng, vaccine HPV là an toàn.

Những thông tin trái chiều đã khiến nhiều phụ huynh ở Việt Nam có con đến tuổi tiêm ngừa vaccine HPV hết sức lo lắng và đắn đo về việc nên hay không cho con đi tiêm. Hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế đã cấp phép cho 2 loại vaccine ung thư cổ tử cung là Cervarix của GlaxoSmithKline và Gardasil của Merck. Theo thống kê của ngành Y tế, mỗi năm Việt Nam sử dụng hơn 40.000 liều vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung theo hình thức tiêm chủng dịch vụ.

Giai đoạn 2008-2011, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương triển khai tiêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung Gardasil cho khoảng 9.500 bé gái 11 tuổi tại 4 huyện ở Cần Thơ và Thanh Hóa. Trong đó chỉ ghi nhận khoảng 1% có phản ứng nhẹ sau tiêm, chủ yếu là nhức đầu, chóng mặt sau đó tự khỏi và không ghi nhận trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), đến nay Việt Nam mới ghi nhận một trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccine Cervarix, nhưng không liên quan đến tiêm chủng. Đó là nữ bệnh nhân 18 tuổi ở TP.HCM, xảy ra vào tháng 6-2013. Sau tiêm vaccine Cervarix mũi thứ hai, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, bỏ ăn và tử vong sau đó. Kết luận của Hội đồng khoa học Sở Y tế TP.HCM sau đó cho thấy, propranolol xuất hiện trong máu, dạ dày và nước tiểu cao hơn nồng độ có thể gây chết người. Giám định mẫu vaccine không phát hiện bất thường nên không đủ cơ sở để xác định cô gái tử vong liên quan đến vaccine. Bệnh nhân được cho là có thể tử vong do đã dùng thuốc trị tim mạch có chứa propranolol trước đó.

Về vấn đề vaccine HPV có an toàn không, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur, TP.HCM cho biết, hai loại vaccine đang sử dụng tại Việt Nam đã được hai tổ chức có uy tín trên thế giới cấp phép lưu hành đầu tiên, đó là EMA (European Medicines Agency) cấp phép cho lưu hành tại cộng đồng chung châu Âu vào năm 2007 và FDA (Food and Drug Administration) cấp phép lưu hành tại Mỹ vào năm 2006. Trước khi được cấp phép, cả hai đã qua nhiều nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đánh giá tính an toàn, tính sinh miễn dịch cũng như hiệu quả bảo vệ trên cá nhân (giai đoạn 1, 2 và 3), với số người tình nguyện tham gia các nghiên cứu này lên đến hơn 30.000 người.

Sau khi vaccine lưu hành trên thị trường còn được tiếp tục đánh giá giai đoạn 4 cũng như triển khai nghiên cứu đăng ký nhằm đánh giá toàn diện lâu dài về vaccine trên một quần thể. Kết quả nghiên cứu trên nhóm nghiên cứu, đúng đối tượng, tuân thủ đúng lịch tiêm chủng cho thấy hiệu quả bảo vệ rất cao từ 95-98% đối với các chủng có trong vaccine. Về phản ứng sau tiêm HPV chủ yếu là phản ứng tại chỗ tiêm như sưng, đỏ, đau (78- 3%) mức độ nhẹ, trung bình. Các phản ứng toàn thân thường gặp như nhức đầu (26-30%); sốt (13%); rối loạn dạ dày – ruột (13-17%); đau cơ – khớp (2-28%). Các phản ứng toàn thân này không khác biệt giữ nhóm tiêm vaccine và nhóm chứng trong các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng.

Về những thông tin về các trường hợp tai biến sau tiêm vaccine HPV, PGS.TS Phan Trọng Lân cho rằng, để đảm bảo tính an toàn của thuốc và vaccine, các quốc gia đều thiết lập hệ thống báo cáo tác dụng ngoại ý, trong đó yêu cầu báo cáo tất cả những trường hợp có biến cố bất thường sau khi tiêm chủng, cho dù có liên quan đến vaccine, công tác tiêm chủng hay không. Cơ quan quản lý y tế sẽ phân tích và đánh giá cho từng trường hợp và có kết luận nguyên nhân cũng như thông báo rộng rãi không chỉ trong từng quốc gia đó mà còn cho các quốc gia mà vaccine được xuất khẩu tới. “Hiện nay chúng tôi chưa nhận được các thông tin bất thường gì cho các vaccine ngừa HPV thông qua các kênh chuẩn thức này”, PGS.TS Phan Trọng Lân cho biết.

Theo ANTĐ

Nguồn: http://dieuduongchuyennghiep.vn/News/Default.aspx?Mod=ViewNews&CateID=3&NewsID=62195

Tìm hiểu thông tin thêm về:

vắc xin HPV

Gardasil Vaccine tác dụng phụ ung thu cổ tử cung

Cervarix Vaccine tác dụng phụ

vắc xin gardasil và cervarix tác dụng phụ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *